Cựu đại sứ Pháp: Việt Nam dùng sức mạnh và kỷ luật tập thể tiêu diệt corona
TTO - "Trước kẻ thù, một tập thể gắn kết, kỷ luật và được lãnh đạo tốt bao giờ cũng chiến thắng được đám đông những cá nhân tự tung tự tác, không nghe lời chỉ huy" - cựu đại sứ Jean-Noel Poirier viết trong lúc điều trị corona ở Hà Nội.
Lời tòa soạn: Ông Jean-Noel Poirier, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam, vừa có bài viết trên báo Pháp CAUSEUR.FR kể lại quá trình điều trị bệnh COVID-19 tại Hà Nội. Ông cũng so sánh văn hóa chống dịch ở các quốc gia theo tinh thần Nho giáo bao gồm Việt Nam với các nước châu Âu.
Tuổi Trẻ Online lược dịch bài viết của ông. Tít do Tuổi Trẻ Online đặt lại.
Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Vương quốc Anh và Mỹ. Các nước phương Tây vốn nghĩ rằng là những quốc gia truyền tải các giá trị riêng nhưng thực tế đang truyền tải virus. Một loại virus nay đang lan tràn hơn nhiều so với những giá trị mà chúng ta từng nói tới.
Các nước châu Á, chính xác là các quốc gia có nền văn hóa Nho giáo, cho đến nay đã thành công trong việc ngăn chặn làn sóng virus corona mà chúng ta - các quốc gia châu Âu đang phải dốc toàn lực thực hiện.
Không có ca tử vong
Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc hay được lấy ra làm ví dụ. Nhưng chúng ta quên đi một đất nước Nho giáo khác, gần gũi với trái tim và lịch sử của chúng ta: Việt Nam.
Thành công của Việt Nam trong việc ứng phó với COVID-19 thậm chí còn thuyết phục hơn Hàn Quốc, một cường quốc công nghiệp.
Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong 20 năm qua (GDP đầu người hiện 2.700 USD, tăng hơn 7% trong năm 2019), dù vẫn còn kém rất xa Hàn Quốc hay Đài Loan về cơ sở hạ tầng, nhưng lại đang đạt được những kết quả phi thường.
Tính đến giữa tháng 4-2020, số người dương tính với virus corona chủng mới ở Việt Nam chưa tới 300 và tỉ lệ tử vong là 0%.
Việt Nam phản ứng thật nhanh và cực kỳ thận trọng. Các trường học đóng cửa từ ngày 18-1 vào dịp nghỉ tết Âm lịch và vẫn tiếp tục đóng cho tới nay.
Người dân Việt Nam, vốn đã đeo khẩu trang khi ra đường để tránh nắng và phòng ô nhiễm, nay càng đeo thường xuyên hơn. Những chai nước rửa tay sát khuẩn được đặt ở tất cả những điểm công cộng từ cuối tháng 1 (quán cà phê, lối vào tòa nhà, thang máy...).
Việt Nam cũng đã đóng cửa biên giới từ sớm với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bắt đầu với Trung Quốc từ ngày 1-2, tức chỉ một tuần sau khi ca dương tính đầu tiên được phát hiện tại nước này (đây là người trở về từ Vũ Hán, được phát hiện dương tính ngày 23-1).
Kế đến, cũng từ những ngày đầu, Việt Nam đã áp dụng triệt để cách thứ nghiêm ngặt như sau: xác định người và nhóm người có nguy cơ nhiễm, tập trung lại, xét nghiệm, và cách ly các ca dương tính.
Phương pháp này không khác nhiều so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): "Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm và cách ly". Việt Nam đã làm rất tốt điều này từ những ngày đầu.
Tại bệnh viện Hà Nội
Số ca nhiễm đã phát hiện tại Việt Nam như vậy là rất thấp ở một quốc gia cách Vũ Hán chỉ 3 giờ bay. Các bệnh viện không bị quá tải và số lượng bệnh nhân vào ra bệnh viện đều được kiểm soát.
Bản thân tôi là một ví dụ. Tôi viết thư này từ phòng 541 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hà Nội, nơi tập trung điều trị các ca dương tính.
Tôi từng có hai tuần ở Paris và quay lại Việt Nam thì có xét nghiệm dương tính. Tôi được chuyển tới bệnh viện lúc 2h sáng ngày 25-3. Tôi không có triệu chứng, không có vẻ gì là bị bệnh, nhưng tôi vẫn sẽ phải ở lại bệnh viện cho đến khi âm tính.
Tôi phải ở lại bệnh viện không phải là cho bản thân tôi, mà là để bảo vệ cộng đồng khỏi bị tôi lây nhiễm. Trường hợp cho bệnh nhân không có vấn đề nghiêm trọng về thể chất được về nhà, không đeo khẩu trang, là không tưởng ở đây. Ở Việt Nam, bảo vệ lợi ích tập thể được ưu tiên hơn cả. Tự do cá nhân xếp sau.
Tập thể trên hết
Chiến lược ứng phó với Việt Nam đơn giản và bỏ qua quyền riêng tư. Bất kỳ ai bị nhiễm phải cung cấp danh tính của tất cả những người họ đã gặp (F1) trong những ngày trước đó và liệt kê tất cả địa điểm họ đã đi qua.
Tôi tự nguyện làm điều này vào đêm 24-3, trước khi tôi nhập viện. Tốt hơn hết là đừng nói dối.
F1 ngay lập tức được đưa tới một trung tâm cách ly và xét nghiệm. Mỗi F1 có nghĩa vụ phải thông báo cho người mà họ đã tiếp xúc (F2). Và những người F2 phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội và cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Tính tới ngày 4-4-2020, hơn 73.000 người đã cách ly tại trung tâm khép kín do quân đội quản lý, tại nhà hoặc bệnh viện.
Nếu F1 dương tính, F2 của người đó trở thành F1, lần lượt được đưa tới trung tâm cách ly và xét nghiệm. Và như vậy, công việc truy vết người nhiễm và người có nguy cơ theo cách đó là công việc mất nhiều công sức hay là công việc tỉ mỉ, ta muốn hiểu sao cũng được.
Cách làm này đạt hiệu quả tại đất nước gần trăm triệu dân như Việt Nam bởi vì được toàn dân đồng tình và thực hiện.
Ở các nước theo tinh thần Nho giáo, như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, quốc phòng và lợi ích tập thể đặt trên quyền lợi cá nhân. Người bị nghi nhiễm chấp nhận ở lại cách ly trong 2 tuần trong một trại quân sự cách nhà mình đến 30km bởi sự hi sinh này được mọi người xem là cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Người ta không được phép từ chối.
Các biện pháp được áp dụng tại Việt Nam là không thể chịu được đối với người dân chúng ta - các nước châu Âu. Chúng ta sẽ thấy các biện pháp này không chấp nhận được và không phù hợp với các giá trị của chúng ta. Nhưng chính những giá trị này rất phù hợp để virus corona lan rộng khắp châu Âu.
Sau này mới biết được liệu các biện pháp mà Việt Nam cùng các nước láng giềng sử dụng có phù hợp hơn các biện pháp chúng ta đang áp dụng hay không. Nhưng hiện tại, có vẻ các nước Nho giáo này, không cần khoe khoang gì cả, đang nhắc nhở chúng ta một bài học xưa lắc.
Đó là bài học rất hiển nhiên. Trước kẻ thù, một tập thể gắn kết, kỷ luật và được lãnh đạo tốt (thì càng tốt hơn) bao giờ cũng chiến thắng được đám đông những cá nhân tự tung tự tác, không nghe lời chỉ huy.
Trong hầu hết các lĩnh vực, trật tự và kỷ luật tập thể các nước Nho giáo - khi được dẫn dắt bởi chính sách tuyên truyền giác ngộ - chiếm ưu thế hơn so với chủ nghĩa cá nhân phương Tây.
Từ công nghiệp, giáo dục, an toàn công cộng cho tới giờ là y tế công cộng. Không có lĩnh vực nào mà chúng ta không bị vượt qua hoặc ít nhất là bắt kịp. Sự phát triển phi thường của Hàn Quốc trong 30 năm qua đã đủ sức thuyết phục. Chúng ta có thể trấn an rằng "chủ nghĩa cá nhân cho phép sáng tạo hơn", nhưng hãy nhìn phim Parasite của Hàn đoạt giải Oscar kìa.
Đồng ý là các quyền tự do cá nhân mà chúng ta có là vô giá. Trong khi, mô hình Nho giáo nói trên là sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế vì lợi ích cộng đồng. Nhưng hãy nhớ là lợi ích tập thể và tự do cá nhân từng có lúc cùng tồn tại hài hòa ở Pháp. Những gì chúng ta gọi là "ý thức công dân" không khác gì hơn là sự tôn trọng quy tắc tập thể vì lợi ích toàn dân.
Ý thức công dân - sự quan tâm dành cho cộng đồng - phần lớn đã biến mất, nhường chỗ cho vô số nhóm thiểu số. Nếu chúng ta không có cách hài hòa giữa ý thức tập thể và tự do cá nhân - là thế mạnh của chúng ta cho đến đầu những năm 1980 - thì tôi e rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài nhìn các nước Nho giáo vượt mặt chúng ta trên mọi phương diện.
Kết lại
Sau 17 ngày ở bệnh viện cùng 5 bệnh nhân và 3 lần xét nghiệm âm tính, tôi về nhà và rồi tiếp tục phải cách ly 2 tuần tại nhà. Cơ quan y tế đã phát hiện các ca tái dương tính và ngay lập tức lệnh cách ly mới được áp đặt.
Một lần nữa an toàn tập thể được đặt trên lợi ích cá nhân. Chính quyền không muốn có rủi ro dù là nhỏ nhất.
Một sự lựa chọn không thể tưởng tượng đối với xã hội Pháp.
MINH KHÔI chuyển ngữ